Tiểu sử Nguyễn_Khuê

Thời niên thiếu và trường học

Giáo sư Nguyễn Khuê sinh ngày 23 tháng 9 năm 1935 tại làng Dương Nỗ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông nội ông là một nhà Nho, nên từ năm 8 tuổi, Giáo sư đã phải học chữ Hán. Mỗi kỳ nghỉ hè, ông nội đưa ông sang làng bên là Phù Yên để học với một người bạn là cụ Tú vốn đỗ Tú tài kỳ thi hương cuối cùng của nhà Nguyễn. Ban đầu ông học chữ Hán vì bắt buộc, về sau thì say mê và cuối cùng nó thấm sâu vào máu thịt một cách tự nhiên.[3]

Thuở nhỏ, ông học trung học ở trường Quốc học Huế. Năm 1966, ông tốt nghiệp Cử nhân giáo khoa Việt Hán, Trường Đại học Văn Khoa, Sài Gòn. Khi vừa tốt nghiệp Cử nhân, ông được một trường đại học ở Đài Loan cấp học bổng để theo học Thạc sĩ văn học Trung Quốc, nhưng vì hoàn cảnh gia đình lúc bấy giờ ông không thể đi Đài Loan lâu ngày được. Năm 1969, ông nhận bằng Cao học Văn chương Việt Hán (nay gọi là Thạc sĩ) và sau đó ông được mời làm giảng viên dạy môn Hán Văn tại trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Năm 1973, ông học xong năm thứ nhất Tiến sĩ chuyên khoa Hán văn ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn, chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1975, nhưng rồi dở dang vì sự kiện mùa xuân năm ấy. Chính luận án này về sau ông xuất bản thành công trình nghiên cứu Nguyễn Bỉnh Khiêm qua Bạch Vân Am thi tập năm 1991.[4]

Sự nghiệp giáo dục

Trước năm 1969, ông từng làm giáo viên các trường trung học tại Sài Gòn như trường Trung học Quốc gia Nghĩa tử, trường Nữ sinh Trung học Trưng Vương. Từ năm 1969 đến 30 tháng 4 năm 1975, ông là Giảng sư trường Đại học Văn khoa Sài Gòn và là Giảng sư thỉnh giảng trường Đại học Văn khoa Cần Thơ, viện Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn. Từ 30 tháng 4 năm 1975 đến ngày về hưu, ông là giảng viên bộ môn Hán Nôm khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh và Trưởng bộ môn Hán Nôm khoa Ngữ văn và Báo chí (nay là khoa Văn học và Ngôn ngữ) trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ chí Minh. Ông nghỉ hưu năm 1997, hiện đang sống và tiếp tục công việc nghiên cứu tại Thành phố Hồ Chí Minh.[4]

Sự nghiệp thơ văn

Là một nhà thơ, Giáo sư Nguyễn Khuê dùng câu chữ và vần điệu gói ghém, chuyển tải sự nhận thức và cảm ngộ về đời người dựa trên những điều ông đã trải nghiệm. Ông đã xuất bản 3 tập thơ: Hương trời xa bay (1998), Cõi trăm năm (2002) và Trăm năm là cuộc lãng du (2005).

Ông làm thơ từ thuở còn học Trung học. Khi được hỏi về thơ, ông nhận định thơ - mà ông gọi là "nàng thơ" - là người bạn tri kỷ của mình. Với những cảm xúc không thể bày tỏ được bằng tư cách nhà giáo hay nhà nghiên cứu, ông đem gửi gắm vào thơ. Như trong bài thơ Giã từ bến sông, ông viết cho nghề giáo và cũng viết cho chính mình:

"Ông lái đò suốt một đời chở khách

Trên sông đưa lớp lớp người qua

Chợt một hôm soi mình mặt nước

Thấy mái đầu đã tuyết sương pha

Rồi một chiều từ giã bến sông

Bên bờ để lại chiếc thuyền không

Hoàng hôn tím ngát trên sông lạnh

Mây trắng trời cao thanh thản trông…"[1]

Thơ của ông là kết tinh của một tâm hồn giàu suy tư, trải nghiệm trước thiên nhiên và con người, mang vẻ đẹp nhẹ nhàng, ý nhị và sâu lắng.[5] Khi nhận định về phong cách sáng tác của Nguyễn Khuê, tác giả Hoàng Độ (thuộc Tu viện Quảng Đức) có nhận xét:

[...] dẫu đã có thơ đăng trên các báo trong Nam ngoài Bắc từ thuở thiếu thời, thơ với Nguyễn Khuê có lẽ như một "nghiệp dĩ" của đời ông [...] Ông làm thơ như để tự họa tâm thức của mình, mà tâm thức thì làm sao vẽ được [...] Người ta từng biết Nguyễn Khuê là một nhà giáo mẫu mực, người đã một đời gắn bó với bục giảng và viên phấn trắng trước bao thế hệ; một nhà biên khảo với nhiều tác phẩm đóng góp chung vào nền quốc học từ những năm 1970 đến nay. Với hai tập thơ đã xuất bản, người ta lại biết thêm một "chân dung vô hình" của ông: "Trên tường đêm thấy bóng mình/ Mừng vui...bóng cũng là hình đó thôi/.../Sầu vạn cổ lạnh thiên thu/Hình đơn bóng lẻ bên nhau tự tình/Bóng là tri kỷ của hình." (Thấy Bóng Mình, tr.44)[6]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nguyễn_Khuê http://www.tuvienquangduc.com.au/xuan/101coitramna... http://dongtanguyentanphuc.blogspot.com/2010/12/ca... http://tapchivanhoaphatgiao.com/nhan-vat/luan-hoi-... http://baovannghe.com.vn/nguyen-khue-lang-le-khai-... http://leminhquoc.vn/the-loai-khac/tac-pham-cua-ba... http://vannghedanang.org.vn/news/view/nguoi-tam-hu... https://www.youtube.com/watch?v=iMWjvTQ8Pkw https://www.thivien.net/Nguy%E1%BB%85n-Khu%C3%AA-I... https://web.archive.org/web/20200404135227/http://... https://baodanang.vn/channel/5414/201701/nguyen-kh...